Khảo sát: Người Mỹ hết sức bi quan về viễn cảnh kinh tế
08/06/2022
Giá
xăng đang tăng cao góp phần khiến cho vật giá leo thang ở Mỹ.
·
Người Mỹ bi quan sâu sắc về nền kinh tế Mỹ, theo một cuộc thăm dò mới
của Wall Street Journal-NORC, giữa lúc tình trạng lạm phát tăng vọt đang
khiến cuộc sống của nhiều người thêm phần khốn khó.
Kết quả này là từ một cuộc khảo sát của tờ Journal được thực hiện chung
với NORC tại Đại học Chicago, một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái đo
lường thái độ xã hội. Cuộc khảo sát ghi nhận một trong những tỉ lệ bất
mãn về kinh tế cao nhất sau nhiều năm, tờ báo này cho biết.
Khoảng 83% số người được hỏi mô tả tình trạng nền kinh tế là kém hoặc
không tốt lắm.
Hơn một phần ba, hay 35%, cho biết họ không hài lòng chút nào với tình
hình tài chính của mình. Đó là mức độ không hài lòng cao nhất kể từ khi
NORC bắt đầu đặt câu hỏi này vài năm một lần, bắt đầu từ năm 1972 trong
khuôn khổ cuộc Khảo sát Xã hội Tổng quát, mặc dù biên độ sai số 4 điểm
của cuộc thăm dò có nghĩa là các số liệu mới có thể không khác biệt đáng
kể so với các mức cao và thấp trước đó.
Chỉ hơn một phần tư số người được hỏi, 27%, cho biết họ có thể cải thiện
được mức sống—giảm 20 điểm so với năm ngoái—trong khi chưa tới phân nửa
số người được hỏi, 46%, nói rằng họ không thể.
38% những người được hỏi cho biết tình hình tài chính của họ đã trở nên
tồi tệ hơn trong vài năm qua. Điều đó đánh dấu lần duy nhất ngoài thời
điểm sau cuộc suy thoái 2007-09 mà hơn ba trong số 10 người được hỏi cho
biết túi tiền của họ đã vơi đi, theo dữ liệu của GSS trong nửa thế kỉ
trở lại đây.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy lạm phát cao đang khiến triển vọng kinh
tế mờ mịt, Jennifer Benz, phó chủ tịch phụ trách sự vụ công cộng và
nghiên cứu truyền thông tại NORC, được tờ Journal dẫn lời cho biết. Lạm
phát đang tăng gần với tốc độ nhanh nhất trong bốn thập niên, ở mức 8,3%
hàng năm vào tháng 4, một trong những yếu tố đè nặng lên người tiêu dùng.
Các hộ gia đình đang phải dùng tiền tiết kiệm để hỗ trợ chi tiêu của họ,
Bộ Thương mại Mỹ cho biết.
Mimi Trần, một cư dân ở thành phố Jacksonville thuộc bang Florida, cho
biết chị nhận thấy tác động của lạm phát ở gần như xung quanh, từ giá
xăng “lên rất là nhiều” cho tới các mặt hàng thiết yếu khác như thực
phẩm. Chị nói mức tăng này “rất là cao” so với đồng lương ở bang miền
nam này của Mỹ.
Trong tư cách một đại diện bán bảo hiểm nhà, chị cũng thấy tác động to
lớn của lạm phát đối với khách hàng của mình.
“Trong một, hai tháng vừa rồi, văn phòng của tôi nhận được hầu hết các
cuộc gọi hỏi tại sao tiền bảo hiểm lại tăng. Đây là tình trạng chung
trên cả nước. Đúng là nó gây khó khăn rất là nhiều, rất là nhiều người
không thể trả được tiền bảo hiểm của họ,” chị cho biết. “Ví dụ như bảo
hiểm nhà, họ trả 1.000 đô la năm ngoái, năm nay tăng lên 2.000 hoặc
3.000, có một số trường hợp tăng lên 4.000-5.000, thì không có cách nào
họ trả nổi hết.”
Chị nói công ty bảo hiểm của chị là một trong những công ty có tỉ lệ
tăng tiền bảo hiểm thấp nhất và hầu hết khách hàng đều “có thể chịu đựng
được.” Trong khi đó những hãng bảo hiểm khác tăng 80% hoặc gấp đôi, theo
lời chị, buộc nhiều người phải chuyển sang các lựa chọn ít tốn kém hơn
hoặc từ bỏ bảo hiểm.
“Chi phí nhân công tăng, chi phí vật liệu xây dựng tăng thì dĩ nhiên nó
đẩy chi phí xây nhà lên. Thí dụ như nhà của mình năm ngoái giá 300.000
đô la, để mà xây lại cái nhà thì năm nay phải mất 500.000. Dĩ nhiên chi
phí bảo hiểm cũng phải tăng và nó tăng đột biến, đến 60-70% năm nay,”
chị giải thích.
Đối với những người phải thay đổi bảo hiểm của mình vì giá tăng cao, một
số người đành chấp nhận phạm vi bảo hiểm hạn hẹp hơn so với bảo hiểm cũ
nhưng đó là “cách duy nhất họ có hiện tại” để đương đầu với gánh nặng
chi phí, chị nói.
Kết quả của cuộc khảo sát là thêm một tín hiệu đáng lo ngại nữa cho Tổng
thống Joe Biden và đảng Dân chủ của ông, những người kiểm soát cả Nhà
Trắng lẫn Quốc hội, và báo hiệu một mùa bầu cử giữa kì đầy cam go vào
tháng 11 sắp tới.
Các cuộc khảo sát ý kiến khác cho thấy rằng các vấn đề kinh tế là mối
quan tâm hàng đầu của cử tri và họ có phần chắc sẽ buộc đảng cầm quyền
phải chịu trách nhiệm về lạm phát cao khiến nhà cửa, thực phẩm, xăng và
các nhu yếu phẩm khác trở nên đắt đỏ hơn.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 7/6 nói với các thượng nghị sĩ
rằng Mỹ đang đối mặt với “mức lạm phát không thể chấp nhận được,” nhấn
mạnh rằng tỉ lệ này có thể vẫn ở mức cao nhưng bà hy vọng nó sẽ sớm giảm
cường độ.
Bà lặp lại quan điểm của mình rằng lạm phát được thúc đẩy bởi sự lệch
lạc về cung - cầu, bao gồm nhu cầu quá mức đối với hàng hóa so với dịch
vụ trong thời kỳ đại dịch và sự gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng.
Giá năng lượng và lương thực cao do Nga xâm lược Ukraine cũng đã đẩy lạm
phát lên cao hơn, bà nói.
Bài viết sử dụng thông tin của Wall Street Journal và Reuters.
