Volker Petersen
Võ Thu Phương biên dịch
Chiến Tranh Ukraine: Hoa Kỳ Thật Sự Muốn Gì?
Tổng
thống Hoa kỳ Joe Biden ở Nhật bản.(Ảnh của AP)
Suốt ba tháng nay, Ukraine đã chống cự lại cuộc tấn công của Nga. Người
Nga phải liên tục hạ thấp mục tiêu của mình. Nhưng mục tiêu của Ukraine
là gì? Và trên hết: Hoa Kỳ muốn gì?
°
Người Ukraine chiến đấu dũng cảm ra sao, người Nga tổ chức nhếch nhác
kiểu gì, phương Tây bày tỏ sự đoàn kết như thế nào – là những điều bất
ngờ trong ba tháng chiến tranh ở châu Âu. Vào tháng Ba, người dân
Ukraine nung đốt quyết tâm gìn giữ tổ quốc. Giờ đây hy vọng đang âm ỉ
cháy: Ukraine thực sự có thể đánh thắng người Nga. Tuy nhiên, câu hỏi
được đặt ra, như thế nào thì gọi là – Chiến Thắng.
Đối với người Ukraine, câu trả lời rất đơn giản. Họ muốn người Nga hoàn
toàn rút ra khỏi khỏi đất nước của họ và muốn lấy lại Crimea với Donbass.
Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba và Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã
nhiều lần nói như vậy. Theo đó, Zelenskyy sẽ rất hài lòng nếu Nga rút
lui về phía sau biên giới, đúng như ở thời điểm trước khi tấn công
Ukraine. Như vậy, Ukraine sẽ phải từ bỏ Crimea, từ bỏ “Cộng hòa Nhân
dân” Luhansk và Donetsk.
Mặc dù người ta cứ luôn nói rằng Ukraine phải tự quyết định số phận của
mình, nhưng thật ra là, các đồng minh ở phương Tây đã tác động vào
chuyện này. Đầu tiên và quan trọng nhất là Hoa Kỳ, quốc gia đang gửi
nhiều tiền và vũ khí nhất.
Nhưng Hoa Kỳ thực sự muốn gì?
Thứ Sáu tuần trước, tờ New York Times cảnh báo Joe Biden, tổng thống cần
làm rõ hơn các mục tiêu chiến tranh của ông. Ngay tờ “Times”,
tiếng nói của nước Mỹ tự do, lại quay lưng với tổng thống. Nhưng tổng
biên tập không muốn ý kiến của họ bị hiểu là mang tính chỉ trích – mà,
nó chỉ là sự cảnh báo. Quy luật chung là vậy, lãnh đạo nào không nói rõ
điều họ muốn, ông ta sẽ có nguy cơ bị người Mỹ la ó.
°
Nhiều kịch bản cho chiến thắng
Sự thật thường gây khó chịu. Đúng vậy, có những tín hiệu chống đối từ
Washington.
Chuyên gia an ninh Carlo Masala nói trong một cuộc phỏng vấn của ntv.de,
một số kịch bản chiến thắng có thể xảy ra. Masala cho rằng, ý tưởng
Ukraine có thể đuổi người Nga ra khỏi đất nước là đòi hỏi quá cao. Bởi,
nếu người Nga tập trung bảo vệ những vị trí chiến lược của họ, thì họ sẽ
lại có được ưu thế. Đối với giáo sư tại Đại học Quân sự ở Munich, một
kịch bản thích hợp sẽ là đi đến thỏa thuận: người Nga phải rút lui đến
giới hạn đã có trước khi bắt đầu chiến tranh.
Tờ Times hiện nói rằng việc Ukraine sẽ đánh lui người Nga nếu họ có đủ
vũ khí là một “giả thuyết nguy hiểm”. Những kỳ vọng không thực tế
chỉ có thể đẩy Hoa Kỳ lún sâu hơn vào cuộc chiến. Nga vẫn còn sức mạnh
hủy diệt rất lớn. Không chỉ về quân sự mà còn cả hạt nhân. Chính phủ Hoa
Kỳ nên tham gia vào các cuộc đàm phán.
Tờ báo chỉ trích tổng thống Hoa Kỳ một điều, mà Thủ tướng Olaf Scholz
cũng từng bị buộc tội: không rõ ràng với truyền thông. Các lô hàng vũ
khí và số tiền hỗ trợ vẽ nên một bức tranh về lòng quyết tâm, nhưng vẫn
chưa rõ chính phủ Hoa Kỳ thực sự hướng đến điều gì. Biden vẫn tiếp tục
tìm kiếm những từ ngữ rõ ràng hơn, như gọi Putin là “kẻ sát nhân”, là “đồ
tể” và cách đây vài tuần ở Warsaw, Biden nói rằng Putin không thể
tại vị. Dư luận trở nên căng thẳng và Biden cũng bị căng thẳng, để rồi
phải nói lại: điều đó không có nghĩa là ông muốn trục xuất Putin ra khỏi
Điện Kremlin. Ông chỉ thể hiện sự phẫn nộ về mặt đạo đức của mình. Nhưng
có thực sự, đây chỉ là một sự cố khi phát biểu?
°
Biden có thể giữ được như vậy trong bao lâu nữa?
Đến thăm Kyiv, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói rằng Nga phải suy
yếu để không bao giờ có thể phát động một cuộc tấn công như thế này một
lần nữa. Tuy nhiên, mục tiêu của Lloyd Austin thì khác với việc đẩy lùi
Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng.
Khi đại diện hàng đầu của đảng Dân chủ, Nancy Pelosi, đến Kyiv, bà nói
rằng viện trợ sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được chiến thắng. Tất cả những
điều này có nghĩa là gì, thật không rõ ràng. Tờ Times yêu cầu, bây giờ
là lúc Biden phải cho Zelenskyy thấy giới hạn viện trợ của Hoa Kỳ. Đó là
nhiệm vụ của chính phủ: “không chạy theo những chiến thắng hão huyền”.
Nhận định của tờ báo đã nhận được rất nhiều sự quan tâm tại Hoa Kỳ. Bởi
vì nó cũng đặt ra câu hỏi, liệu viện trợ của Mỹ cho Ukraine có thực sự
bền vững về lâu dài không, hay chỉ là ra vẻ như vậy. Một điều may mắn
cho Ukraine, cũng như cho phần còn lại của châu Âu, vì Biden là một lãnh
đạo hiểu được vấn đề và hết lòng ủng hộ Ukraine. Chỉ cần tưởng tượng,
nếu Donald Trump ở vị trí đó, người ta sẽ hiểu. Mặt khác, Biden đã cố
gắng giữ vững liên kết trong NATO và thắt chặt quan hệ với EU. Hoa Kỳ
đang đóng vai trò đáng quý của họ: lãnh đạo của thế giới tự do.
Nhưng tại quê nhà, Biden không được yên ổn. Các cuộc bầu cử giữa nhiệm
kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11, trong đó một phần của Quốc hội sẽ được bầu
lại. Có vẻ như đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện và có lẽ cả
Thượng viện. Sau đó, một số người hâm mộ Trump có khả năng vào Quốc hội.
Họ là những người xem Biden như kẻ theo con đường của ma quỷ. Họ chỉ
muốn làm khác chứ không muốn làm việc chung với ông Biden.
°
Lạm phát là vấn đề số 1
Các cuộc thăm dò vẫn cho thấy mức độ tán thành cao đối với đường lối của
Biden trong chính sách Ukraine. 45% đồng ý với Biden, theo một cuộc thăm
dò ngày 10 tháng 5 của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Gần 60% lo ngại rằng
Nga có thể tấn công các nước khác. Đồng thời, gần một phần ba cho rằng
Mỹ chưa giúp Ukraine hết khả năng. Nhưng: Hơn 80% lo sợ rằng viện trợ có
thể dẫn đến một cuộc chiến tranh chống lại Nga. Tuy nhiên, đây vẫn là
những chỉ số tốt cho Biden, ngay cả khi ông bị xem là không được lòng
dân. Chỉ có 41% dân chúng xem ông là một tổng thống tốt, theo cổng thông
tin số “Fivethirtyeight”. Ít hơn Trump ở cùng thời điểm.
Một cuộc thăm dò của Pew cũng khẳng định rõ ràng: Lạm phát cao là vấn đề
số một đối với người Mỹ. 70% chỉ nhìn vào chuyện này, quyết không nghĩ
đến vấn đề nào khác. Giá xăng dầu, khí đốt và thực phẩm đã tăng kể từ
cuộc khủng hoảng Corona, nhưng chiến tranh càng làm trầm trọng thêm vấn
đề. Thật khó để giải thích cho người dân Nam Dakota hoặc Oklahoma hiểu
rằng, có một vùng đất tên là Donbass ở châu Âu xa xôi cần được bảo vệ.
Nếu lạm phát tiếp tục ăn sâu vào thu nhập người Mỹ, cảm tình dành cho
Ukraine sẽ đổi chiều.
Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến sẽ kéo dài nhiều tháng, có thể nhiều
năm. Nhìn từ góc độ này, việc thời báo “Times” kêu gọi hòa giải
các mục tiêu chiến tranh và tiến tới đàm phán là hoàn toàn hợp lý. Bởi
vì sẽ tốt hơn, nếu vấn đề được giải quyết, trước khi những người khác ở
Washington dành được tiếng nói.
Volker Petersen
Võ Thu Phương biên dịch
