Doanh nghiệp Mỹ chỉ trích các “hạn chế” trong
chính sách bán vũ khí cho Đài Loan
Ảnh
tư liệu: Trực thăng MH-60R của Hải quân Mỹ tập trận trong biển
Philippines ngày 24/04/2017. REUTERS - Handout .
Trọng Nghĩa
Hai tổ chức kinh doanh Mỹ vào hôm qua, 17/05/2022 đã lên tiếng phê phán
chính sách bán vũ khí cho Đài Loan của chính quyền Joe Biden, vì có quá
nhiều “hạn chế” và không đối phó được các thách thức do quân đội Trung
Quốc đặt ra.
Trong một lá thư ngỏ gởi toàn bộ các quan chức cao cấp trong chính phủ
Mỹ, Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Đài Loan và Hội Đồng Kinh Doanh Hoa
Kỳ-Đài Loan cho rằng dưới thời tổng thống Joe Biden, Mỹ đã áp dụng một
chính sách quá chặt chẽ trong lãnh vực bán vũ khí cho Đài Loan.
Washington chỉ đồng ý bán các phương tiện có chức năng đối phó với “một
cuộc xâm lược toàn diện vào đúng Ngày N (tiếng Anh là D-Day)” vào Đài
Loan.
Các loại vũ khí không áp dụng cho kịch bản này sẽ bị từ chối, trong đó
có cả những phương tiện chống lại các hoạt động cưỡng chế liên tục của
Trung Quốc trong Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ) của Đài Loan, những
hoạt động mà theo các tác giả bức thư ngỏ, đã gia tăng đáng kể trong hai
năm gần đây nhằm làm kiệt quệ lực lượng phòng thủ Đài Loan.
Theo hãng tin Anh Reuters, các chính quyền Mỹ liên tiếp đã thúc đẩy Đài
Loan hiện đại hóa quân đội để trở thành một “con nhím” mà Trung
Quốc khó tấn công, chủ trương bán các loại vũ khí bền và rẻ, cơ động -
gọi là “phi đối xứng” - có thể tiếp tục được dùng đến sau bất kỳ
một cuộc tấn công ban đầu nào của một lực lượng Trung Quốc lớn mạnh hơn.
Đối với hai tổ chức doanh nghiệp Mỹ, bao gồm nhiều thành viên là các
hãng bán vũ khí, việc tập trung hỗ trợ an ninh cho Đài Loan theo kiểu “phi
đối xứng” hiện hành không những không tăng cường được khả năng răn
đe của Đài Loan, mà còn khiến cho chính sách bị hiểu lầm, và làm chậm
đáng kể các thương vụ bán vũ khí nói chung.
Một ví dụ là việc chính quyền Mỹ cố ngăn cản việc Đài Loan đặt mua một
số loại vũ khí, như loại trực thăng MH-60R chẳng hạn, với lý do là các
phương tiện đó “không phù hợp” với chiến lược chung. Hồi đầu tháng Năm,
Đài Loan đã cho biết ý định từ bỏ kế hoạch mua 12 trực thăng tác chiến
chống ngầm tiên tiến của Mỹ vì giá quá đắt.
Đáp lại bức thư của Phòng Thương Mại Mỹ và Hội Đồng Kinh Doanh Hoa
Kỳ-Đài Loan, bộ Ngoại Giao Mỹ tiếp tục khẳng định chủ trương ủng hộ mạnh
mẽ những nỗ lực của Đài Loan trong việc thực hiện chiến lược phòng thủ
phi đối xứng.
Pháp hứa tăng cường độ giao vũ khí cho Ukraina
Hình
minh họa: Đại bác Caesar có độ chính xác cao của Pháp trong cuộc diễu
binh trong lễ Quốc khánh trên đại lộ Champs-Elysées, Paris, ngày
14/07/2012. AFP - BERTRAND GUAY
Thu Hằng
Trong cuộc điện đàm chiều 17/05/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron
khẳng định với đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky sẽ tăng cường độ
giao vũ khí và viện trợ nhân đạo cho Kiev, cụ thể là « trong những
ngày và những tuần tới ».
Theo AFP, trong cuộc điện đàm « nghiêm túc » kéo dài hơn một
tiếng, hai nguyên thủ « đã nhắc đến những cam kết về an ninh mà Paris
có thể sẽ hỗ trợ cho Kiev trong khuôn khổ một thỏa thuận quốc tế, để bảo
đảm việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền » của Ukraina.
Kể từ ngày 24/02, khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraina, Pháp đã chuyển cho
Kiev hơn 800 tấn hàng viện trợ nhân đạo. Sau thông báo ngày 22/04 của
tổng thống Emmanuel Macron, Paris viện trợ cho Ukraina 12 pháo tự hành
Caesar 155 mm. Trước đó, Mỹ cũng đã giao khoảng 100 lựu pháo M777 cho
Kiev. Những loại pháo tối tân có khả năng bắn xa và chính xác này giúp
quân đội Ukraina có lợi thế trong chiến tranh công sự đang diễn ra ở
vùng Donbass, theo giải thích với RFI của chuyên gia địa-chính trị
Jean-Pierre Maulny :
« Kiểu giao tranh mà chúng ta đã có thể hình dung ra có từ thời Liên
Xô, trong Chiến tranh lạnh, có nghĩa là cuộc xung đột diễn ra ở đồng
bằng với lực lượng pháo binh, xe tăng chiến đấu. Đúng là pháo cỡ 155 của
phương Tây giúp Ukraina tạo nên khác biệt. Nhưng tôi cũng cho rằng sự
khác biệt này còn do chất lượng trung bình của quân đội Nga. Mỹ lại cam
kết mạnh mẽ hơn với quân đội Ukraina bởi vì đơn giản là vì họ hiểu rằng
quân đội Nga đang trên đà thất bại ».
Trong báo cáo về chiến sự Ukraina ngày thứ 85, bộ Quốc Phòng Anh cho
rằng « công tác tổ chức lộn xộn của bộ chỉ huy Nga làm trì hoãn tiến
trình các chiến dịch » của Nga. Có nhiều yếu tố cho thấy Nga «
gặp khó khăn trên chiến trường ở Ukraina ». Ví dụ, Nga đã tốn nhiều
quân và mất thời gian để bao vây Mariupol trong hơn 10 tuần mới giành
được chiến thắng. Nhiều đơn vị khác nhau, trong đó có quân Tchetchenia,
được huy động ra chiến trường nhưng lại thiếu phối hợp.
Ngày 18/05, Matxcơva cho biết có 959 quân nhân Ukraina kháng cự trong
nhà máy thép Azovstal đã đầu hàng tính từ thứ Hai 16/05, trong đó có 80
người bị thương. 51 người được nhập viện ở Novoazovsk, khu vực do quân
Nga và lực lượng ly khai Ukraina kiểm soát. Bộ Quốc Phòng Nga không cho
biết về số phận của những người bị bắt, trong đó có rất nhiều người bị
Nga coi là thành phần tân quốc xã. Phía Kiev muốn tổ chức một cuộc trao
đổi tù binh.
Tổng thống Ukraina phát biểu trong lễ khai mại
Liên hoan phim quốc tế Cannes 2022
Tổng
thống Ukraina Volodymyr Zelensky, phát biểu trực tuyến qua video trong
lễ khai mạc Liên hoan phim Cannes lần thứ 75, ngày 17/05/2022. REUTERS -
ERIC GAILLARD
Thanh Hà
« Chúng ta cần một Chaplin mới để chứng minh rằng điện ảnh không câm
lặng » trước chiến tranh, trước « một nhà độc tài ». Từ Kiev, tổng thống
Ukraina Volodymyr Zelensky bất ngờ phát biểu trong lễ khai mạc Liên hoan
phim quốc tế Cannes 2022 tối 17/05/2022.
Festival Cannes lần thứ 75 đã chính thức khai mạc. Hôm nay, đạo diễn Nga,
Kirill Serebrennikov, 52 tuổi, với tác phẩm Người Vợ của Tchaikovski –
Zhena Chaikovskogo mở màn cuộc đua tranh Cành Cọ Vàng. Nghệ sĩ này là
một cái gai trong mắt chính quyền Nga. Anh và đã sang định cư hẳn tại
Berlin kể từ khi Kremlin điều quân xâm chiếm Ukraina.
Chiến tranh Ukraina chiếm một vị trí quan trọng trong Festival Cannes
năm nay với phát biểu của tổng thống Volodymyr Zelensky từ Kiev. Hơn 80
năm sau bộ phim The Dictator của Charlie Chaplin vào thời kỳ đen tối
nhất trong lịch sử của thế giới thế kỷ 20 khi mà châu Âu bị đặt dưới ách
Đức Quốc Xã, tổng thống Zelensky tin rằng nghệ thuật thứ 7 cần một
Chaplin mới, cần một tác phẩm như The Dictator năm nào để « xóa bỏ
hận thù » và khai trừ « những kẻ độc tài ».
Chủ tịch ban giám khảo Liên hoan Cannes 2022, Vincent Lindon, cũng tin
vào « Sức mạnh » của điện ảnh, một loại « Vũ khí mãnh liệt » để
đánh thức công luận trước thế giới bao quanh mỗi chúng ta. Festival
Cannes, luôn mở rộng vòng tay « đón và chở che, tập hợp những nhà làm
phim lớn nhất » của thời đại. Chính vì thế mà bộ phim đầu tiên năm
nay tranh Cành Cọ Vàng là đứa con tinh thần của đạo diễn người Nga,
Kirill Serebrennikov. Nghệ sĩ này đã ba lần được mời tham dự Liên hoan
Cannes, nhưng hai lần trước đều đã bị cấm xuất ngoại. Sự hiện diện của
anh năm nay là một thông điệp chính trị mạnh mẽ của Liên hoan phim quốc
tế Cannes gửi đến Matxcơva.
Tác phẩm Người Vợ của Tchaikovski – Zhena Chaikovskogo nói về cuộc hôn
nhân để che mắt thiên hạ, giữa nhạc sĩ nỗi tiếng nhất của nước Nga,
Piotr Illitch Tchaikovski, một người đồng tính, và vợ là Antonina Milioukova.
Bên cạnh những thông điệp mạnh mẽ mang tính chính trị đó, Festival
Cannes trước hết là lễ hội điện ảnh và ngôi sao chiếu sáng khung trời
Cannes đêm nay sẽ là Tom Cruise với bộ phim không tranh giải Top Gun :
Maverick. Đây là tập thứ nhì của bộ phim Top Gun ra mắt công chúng từ
1986.
Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO
Đại
sứ Phần Lan bên cạnh NATO Klaus Korhonen (T), tổng thư ký NATO Jens
Stoltenberg (G) và đại sứ Thụy Điển bên cạnh NATO Axel Wernhoff trong lễ
nộp đơn gia nhập Liên Minh, Bruxelles, Bỉ, ngày 18/05/2022. REUTERS -
JOHANNA GERON
Phan Minh
Phần Lan và Thụy Điển hôm nay 18/05/2022 đã chính thức đệ đơn xin gia
nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi 95% các nghị sĩ Phần Lan
đã bỏ phiếu ủng hộ việc này tại Quốc hội vào hôm qua 17/05. Các cuộc
tham vấn hiện đang được tiến hành giữa các nước đồng minh nhằm dỡ bỏ sự
phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc hai nước Bắc Âu gia nhập liên minh.
Từ Stockholm, thông tín viên Frédéric Faux
tường trình :
188 phiếu ủng hộ và chỉ tám phiếu chống.
Quốc hội Phần Lan đã ồ ạt bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập NATO. Ngay cả
phe cực tả, về lý thuyết là chống, đã bị chia rẽ trong hồ sơ này. Có một
dấu hiệu cho thấy đây là một bước ngoặt lịch sử, các cuộc tranh luận,
hôm thứ Hai, đã kéo dài hơn 14 tiếng. Việc Nga xâm lược Ukraina đã được
đề cập đến. Cuộc tranh luận cũng đề cập đến Chiến tranh Mùa đông giữa
Phần Lan và Liên Xô hồi Thế chiến thứ hai, lý do khiến quốc gia Bắc Âu
mất 10% lãnh thổ của mình.
Sự nhất trí gần như toàn bộ này phản ánh quan điểm của công luận Phần
Lan, với 76% người dân muốn chấm dứt tình trạng phi liên kết. Việc này
cũng phản ánh các hoạt động ngoại giao dồn dập của tổng thống Sauli
Niinisto. Ông hiện đang có chuyến công du hai ngày ở Thụy Điển, quốc gia
láng giềng cũng muốn gia nhập NATO sớm nhất có thể. Ngay hôm nay, thứ Tư,
cùng với thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson, ông Niinisto đệ đơn
xin gia nhập Liên Minh. Và hai nhà lãnh đạo sẽ được tổng thống Mỹ Joe
Biden tiếp vào thứ Năm.
Cũng trong ngày hôm qua, trong một cuộc
họp báo tại Berlin, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã khẳng định, xin trích, "chúng
tôi sẽ tăng cường hợp tác quân sự, đặc biệt là ở khu vực biển Baltic
thông qua các cuộc tập trận chung".
