báo điện
tử TRÁCH NHIỆM do Khu Hội CTNCT Việt Nam Nam California chủ trương
*
hoạt động từ 26/4/2008 *
"Những thông tin trên trang web này thể hiện quyền tự do ngôn luận
của người đưa tin; và quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ của ng
Kim Nguyễn
Liên Minh Nga -Trung Cộng Sẽ Là Mối Đe Dọa Cho Hoa Kỳ Và Thế Giới
Thế Vận Hội Mùa Đông tại Bắc Kinh (TVH Bắc Kinh) đã khai mạc vào
ngày Thứ Sáu tuần qua trong lúc cuộc chiến tại Ukraine có thể xảy ra
bất cứ lúc nào. Tin tình báo của Hoa Kỳ cho hay quân đội Nga đã sẵn
sàng tiến sâu vào nội địa Ukraine khi có lệnh. Tham Mưu Trưởng Liên
Quân Hoa Kỳ Mark Milley cảnh báo “Thủ đô Kyiv có thể bị thất thủ
trong 72 tiếng khi Nga tấn công.” Năm 2014, sau Thế Vận Hội Mùa
Đông Sochi, Putin ra lệnh tấn công Ukraine và đã chiếm được Crimea.
Nhiều người tin rằng rất có thể Tập Cận Bình đã yêu cầu Putin hoãn
tấn công cho tới khi TVH Bắc Kinh kết thúc.
Hoa Kỳ, Anh, Đức, Úc, Canada, Ấn Độ và một số quốc gia đồng minh của
Hoa Kỳ đã tẩy chay TVH Bắc Kinh để phản đối việc Trung Cộng vi phạm
nhân quyền có hệ thống đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc
thiểu số Hồi Giáo khác. Putin đã tới tham dự lễ khai mạc TVH Bắc
Kinh, đã gặp Tập Cận Bình trước giờ khai mạc và hai nhà lãnh đạo này
đã đưa ra một thông cáo chung, tuyên bố “hợp tác không giới hạn.”
Nga và Trung Cộng thực sự bắt tay với nhau?
Nga và Trung Cộng có chung biên giới dài 4,000 km, cả hai quốc gia
cùng theo chủ nghĩa Marx-Lenin, đã có thời gian hợp tác với nhau, đã
có những cuộc xung đột xảy ra, đã nối lại ngoại giao, và giờ đây lại
tính toán hợp tác với nhau.
Khi Mao Trạch Đông giành được quyền kiểm soát Trung Cộng năm 1949
thì Nga đã vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Joseph Stalin. Năm 1950,
Nga và Trung Cộng đã ký kết hiệp ước Hữu Nghị và Hợp Tác. Sau cái
chết của Stalin, Krushchev chủ trương chính sách sống chung với thế
giới tự do nên đã thay đổi đường lối của Stalin. Mao Trạch Đông tức
giận với chủ trương của Krushchev, đã không giấu tham vọng hất vai
trò lãnh đạo cộng sản thế giới của Nga, công khai quảng bá tư tưởng
“Con Đường Mao Trạch Đông.” Điều này dẫn đến rạn nứt quan hệ ngoại
giao giữa hai nước, và năm 1969 Trung Cộng đã tấn công quân đội Nga
trên đảo Zhenbao, gây thương vong nặng cho cả hai quốc gia.
Putin, Trung Tá tình báo của KGB đã trở thành Tổng Thống Nga 21 năm
trước đây. Khi tuyên thệ nhậm chức, Putin đã tuyên bố sẽ khôi phục
lại nước Nga vĩ đại, tái lập đế quốc Nga. Putin đã nắm bắt tất cả
mọi cơ hội từ vụ khủng bố 9/11 tại Hoa Kỳ năm 2001 tới cuộc cách
mạng tại Ukraine năm 2013. Quyết định chiếm Crimea của Putin đã gây
ra cuộc khủng hoảng Ukraine từ năm 2014 tới nay. Nga đã bị NATO và
Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế, trong 7 năm qua lệnh trừng phạt này đã
làm cho kinh tế của Nga bị suy sụp. Mặc dù cơ quan an ninh của Nga
luôn luôn nghi ngờ và cảnh giác về thiện chí của Trung Cộng, nhưng
trước nguy cơ phải đối đầu với lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn của
Hoa Kỳ và NATO nên Nga đã tiến tới sự hợp tác chặt chẽ hơn với Trung
Cộng.
Trong số đại diện của 20 quốc gia tham dự TVH Bắc Kinh, Putin là
khách mời quan trọng nhất, đã khẳng định “Đây là mối quan hệ chặt
chẽ chưa từng có giữa Nga với Trung Cộng.” Trước giờ khai mạc Thế
Vận Hội, Nga và Trung Cộng đã đưa ra một thông cáo chung kêu gọi
NATO ngừng kết nạp bất kỳ quốc gia mới nào vào liên minh Bắc Đại Tây
Dương đồng thới khẳng định Đài Loan là một phần không thể tách rời
của Trung Cộng. Thông cáo chung còn tố cáo Hoa Kỳ là nguyên nhân
gây bất ổn trên thế giới, đã ảnh hưởng tới liên minh quân sự NATO,
và liên minh quân sự AUKUS trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình
Dương. Nhiều cơ quan truyền thông như BBC, RFI, Reuters, . . . cho
rằng khủng hoảng tại Ukraine từ năm 2014 tới nay đã đẩy hai nước này
tiến tới thế hợp tác chặt chẽ hơn. Nga liên minh với Trung Cộng chỉ
có tính cách giai đoạn hay thực sự sẽ là mối đe dọa lâu dài cho Hoa
Kỳ và thế giới tự do?
NATO muốn tìm giải pháp thỏa hiệp với Nga
Ukraine không phải là thành viên của NATO nên không được bảo vệ nếu
bị Nga tấn công, Đức đã bày tỏ lập trường qua việc gởi 5,000 mũ sắt
tới Ukraine cho dù bị cộng đồng quốc tế chế diễu. Thật ra Đức không
thể cứng rắn với Nga vì 42% năng lượng của Đức tùy thuộc vào Nga.
Không riêng gì Đức mà phần lớn các quốc gia Âu Châu phải tùy thuộc
vào Nga về vấn đề năng lượng. Tài liệu của Marshall Center, một
trung tâm nghiên cứu về an ninh Âu Châu đưa ra khuyến cáo Liên Minh
Âu Châu cần có chiến lược đa dạng về nguồn cung cấp khí đốt để giảm
phụ thuộc vào Nga. Sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga rất lớn, tới
mức có 7 quốc gia phải phụ thuộc từ 99% tới 100%: Belarus, Bulgaria,
Slovakia và Finland. Một số quốc gia lớn của Âu Châu cũng phải phụ
thuộc vào khí đốt của Nga: Ba Lan 43%, Đức 42%, Ukraine 35%, Ý 31%
và Pháp 28%. Nga là nguồn cung cấp 1/3 khi đốt cho Âu Châu, Liên
minh Âu Châu rất lo ngại vì bất cứ một sự gián đoạn nào về năng
lượng cũng tác hại tới an ninh của các quốc gia này. Cho tới giờ
phút này đã có hơn 130,000 binh lính Nga trong tình trạng sẵn sàng
chiến đấu nhưng Putin vẫn xác định rằng Nga không có kế hoạch tấn
công Ukraine. Trong khi đó thì Biden cảnh báo “Nga có thể xâm lược
Ukraine trong những ngày tới” và Biden khẳng định “Nga sẽ phải trả
giá rất đắt vì Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ đáp trả mạnh nếu Nga xâm
chiếm Ukraine.”
Trong nỗ lực giảm thiểu nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra tại
Ukraine, TT Emmanuel Macron của Pháp đã gặp Putin tại Moscow vào
trưa Thứ Hai ngày 7/2. Trong cuộc họp, TT Macron nói “Chúng tôi
đang tìm kiếm phương thức tránh chiến tranh.” Putin cũng cho hay
“Tôi thấy Pháp và cá nhân Tổng Thống đang dành nhiều nỗ lực để giải
quyết cuộc khủng hoảng một cách nghiêm túc. Nga và Pháp chia sẻ mối
quan tâm chung về những gì đang xảy ra cho an ninh Âu Châu.” Không
rõ hai Tổng Thống bàn tính gì mà không có một thông cáo chung nào
được đưa ra, chỉ có thông tin của phía Nga nói rõ “không có gì mới,
tình hình vẫn căng thẳng, một cuộc họp không thể giải quyết một vấn
đề phức tạp như hiện nay.”
Nga và Trung Cộng cùng lúc thách thức Hoa Kỳ
Trả lời phỏng vấn trên Fox News, Tướng về hưu Joseph Keith Kellogg
nói “Tôi biết rõ điều 5 của Hiệp Ước NATO quy định rằng một cuộc tấn
công vào một thành viên của NATO là tấn công vào toàn khối NATO
nhưng Ukraine không phải là thành viên của NATO nên Hoa Kỳ không có
trách nhiệm phải can dự vào.
Nga đã chiếm Crimea, đã xâm phạm chủ quyền của Ukraine từ năm 2014
tới nay, sau 7 năm thương lượng Âu Châu đã thất bại trong việc đem
lại hòa bình cho khu vực Donbas của Ukraine. Cuộc khủng hoảng
Ukraine tự căn bản là vấn đề của Âu Châu, nếu Hoa Kỳ phân tâm, góp
phần giải quyết vấn đề Âu Châu thì những điều này sẽ làm hao mòn
năng lực của chúng ta. Hoa Kỳ nên tập trung vào mối đe dọa đáng kể
nhất là Trung Cộng.”
Khi Nga đưa quân tới biên giới Ukraine thì Trung Cộng cũng gia tăng
hoạt động của không quân và hải lực uy hiếp Đài Loan. Tình huống xấu
nhất đối với an ninh của Hoa Kỳ là một cuộc chiến hai mặt trận với
cả Nga và Trung Cộng. Cựu Trung Tá Daniel Davis, trước đây là một
thành viên cao cấp của Bộ Quốc Phòng đã nhận định “Nga và Trung Cộng
có sự hợp tác ngày càng gia tăng, hai quốc gia này cùng khẳng định
Đài Loan và Ukraine là tối quan trọng. Sự kiện này là một rủi ro
rất lớn cho Hoa Kỳ.”
Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo yếu kém của Biden đang bị Putin và Tập Cận
Bình thách thức. Nếu chiến tranh thực sự xảy ra, liệu Biden và các
thuộc cấp có đủ sáng suốt, năng lực để đương đầu với tình thế và
giành được thắng lợi cho đất nước Hoa Kỳ của chúng ta hay không?